image banner
Truyền thống văn hóa

Vĩnh Thuận là vùng đất mới được khai phá khá sớm so với bình diện chung của vùng Đồng Tháp Mười. Những gia đình cố cựu đã sống ở nơi đây  khoảng 6 thế hệ. Từ đó, có thể suy đoán,  vùng đất này được khai phá từ đầu thế kỷ XIX (cách nay khoảng 200 năm). Từ khi đặt chân đến vùng đất nay là xã Vĩnh Thuận, các thế hệ cư dân nơi đây đã vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm sản xuất được tích lũy qua bao nhiêu đời để tồn tại và thích ứng với điều kiện tự nhiên-xã hội ở vùng đất mới. Trong điều kiện thiên nhiên của một vùng đất mới giàu tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều đe dọa  như muỗi mòng, thu dữ, dịch bệnh…các thế hệ cư dân đầu tiên trên đất Vĩnh Thuận đã kế thừa truyền thống văn hóa của cha ông đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, nương tựa vào nhau để tồn tại. Tất cả những yếu tố ấy đã tạo nên đặc trưng về văn hóa của cư dân Vĩnh Thuận.

Về cội nguồn, họ vốn là hậu duệ của những người nông dân ở miền Trung, miền Bắc vì không cam chịu sống trong cảnh áp bức bất công, bất mãn với chế độ thực dân, phong kiến nên đã rời bỏ quê hương tìm đến vùng bưng trấp hoang vu để tự tạo cho mình một cuộc sống mới. Những nghĩa binh chống Pháp thất trận, những nông dân nghèo không đóng nổi sưu cao thuế nặng, những người bị chính quyền truy nã cũng đều tụ hội về vùng đất này. Thiên nhiên bao la, rộng lớn, cá nước, chim trời, đã rèn đúc cho họ tinh thần nghĩa khí, cởi mở, dám nói, dám làm, sẵn sàng sống chết vì đại nghĩa. Bên cạnh đó, thiên nhiên bao la rộng lớn của vùng đất còn hoang sơ đã làm cho tâm hồn con người nơi đây trở nên phóng khoáng, cởi mở. Vì thế, nhân dân Vĩnh Thuận rất hiếu khách, thích kết giao bằng hữu, chân thành, cởi mở, thà “Mất lòng trước, được lòng sau” chứ không ưa sự giả dối, hào nhoáng bề ngoài.  Do phải sống trong một thực tế khắc nghiệt, không được đào tạo bằng chữ nghĩa thánh hiền nên họ nhận thức lẽ sống và chuẩn mực đạo lý ở đời theo một nghĩa riêng, mang nặng tính thực tế, phóng khoáng, không câu nệ vào khuôn phép. Đối với họ, những ai “thấy việc bất bằng chẳng tha” mới là hào kiệt, còn những người tuy chữ nghĩa bề bề nhưng “năng thuyết bất năng hành” thì chẳng đáng mặt anh hùng. Bởi thế, họ sẵn sàng đi theo những người dám sống chết vì nghĩa lớn mặc dù người đó chưa bao giờ hiển đạt về khoa cử hay giữ chức vụ cao trong xã hội. Đây chính là “Hào khí Tháp Mười” được hun đúc qua hàng trăm năm lịch sử của nhân dân Vĩnh Thuận nói riêng và nhân dân Đồng Tháp Mười nói chung.

Những  phong tục, tập quán từ quê cũ (miền Trung, miền Bắc) cũng được cư dân Vĩnh Thuận kế thừa và đổi mới cho phù hợp với điều kiện tự nhiên-xã hội của vùng đất mới. Trong mối quan hệ gia đình ở Vĩnh Thuận, người chồng, người cha đóng vai trò trụ cột, có tiếng nói quyết định và là người có quyền hành cao nhất trong việc giao dịch, làm ăn, buôn bán, ứng xử với xã hội. Người mẹ có nhiệm vụ chăm lo nội trợ, chăm sóc con cái, tay hòm chìa khóa trong nhà. Sự êm ấm, thuận hòa trong gia đình được hết sức coi trọng. Nhà nào biết kính trên, nhường dưới, cha mẹ biết nêu gương tốt cho con, con hiếu thuận với cha mẹ và không làm điều gì ảnh hưởng đển danh dự của tổ tiên được xem là có phước lớn. Đối với cư dân Vĩnh Thuận, chữ hiếu là chuẩn mực đạo đức hàng đầu, những người bất hiếu, bất nghĩa trong gia đình thì không thể trở thành người hữu ích cho xã hội. Vì thế, việc ma chay, giỗ chạp, thờ phụng ông bà tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ hết sức được coi trọng. Bên cạnh đó, nhân dân Vĩnh Thuận còn bảo lưu được lệ cúng việc lề - một nét đặc trưng hiếm thấy ở vùng đất Đồng Tháp Mười vốn được khai phá muộn hơn so với mặt bằng chung của cả tỉnh. Cúng việc lề là một tín ngưỡng đặc biệt, được hình thành trong quá trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ của tiền nhân. Thông thường, lệ cúng việc lề chỉ có ở một số dòng họ di dân sớm với tính chất và hình thức riêng. Mỗi dòng họ có ngày cúng, nghi thức cúng và những lễ vật bắt buộc theo lệ của dòng họ mà ý nghĩa của chúng người ngoài không thể biết được.Nghi thức cúng được lưu truyền trong dòng họ qua nhiều đời, đã trở thành lề thói, thành lệ nên được gọi là lệ cúng việc lề. Về ý nghĩa, lễ cúng việc lề thể hiện tinh thần tưởng nhớ tổ tiên và niềm luyến nhớ chốn cố hương của những người vì sinh kế mà phải xa rời nơi chôn nhau cắt rún. Lễ cúng việc lề còn phản ánh ký ức của cộng đồng về thời kỳ khẩn hoang đầy gian khổ và là dấu hiệu để nhận diện dòng tộc, kết chặt tình thân giữa những người có chung một họ. Chính vì thế, lệ cúng việc lề gắn chặt với lịch sử của từng dòng tộc với những đặc trưng riêng. Ở Vĩnh Thuận, có họ Lê, họ Trần và họ Nguyễn vẫn còn giữ lệ cúng việc lề. Riêng họ Lê ở ấp Cả Nga, xã Vĩnh Thuận mỗi năm đều tổ chức cúng việc lề vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch. Vào ngày này, hơn 100 con cháu trong kiến họ Lê đã họp mặt lại để ôn lại truyền thống, tri ân công đức tổ tiên, giúp đỡ những người gặp khó khăn và khuyến khích những tấm gương hiếu học, thành đạt trong dòng họ. Đây chính là một nét đẹp về văn hóa cần được bảo tồn, phát huy trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, những nghi lễ đời thường như cưới xin, tết nhất, đầy tháng, thôi nôi...ở Vĩnh Thuận cơ bản cũng giống như những địa phương khác ở Nam Bộ.

Vĩnh Thuận nằm ven bờ sông Vàm Cỏ Tây, đất đai bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, phong cảnh hữu tình. Trên mảnh đất ấy, bao thế hệ nối tiếp nhau đã sống, lao động và đấu tranh để xây dựng và bảo vệ quê hương và làm giàu cho đời sống tinh thần của mình bằng cách sáng tạo ra những câu hò, điệu lý, ca dao, tục ngữ, nghệ thuật đàn ca tài tử... Những sáng tạo về mặt tinh thần này đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, làm cho con người bớt đi những nhọc nhằn, gian khổ trong quá trình mưu sinh, lập nghiệp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những hình thức văn hóa dân gian nói trên đã phần lớn đã thất truyền theo sự ra đi của những lớp người già cả. Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần quan tâm bảo tồn và phát huy những hình thức văn hóa dân gian nêu trên, trước khi nó bị mai một bởi thời gian và sự xâm nhập của làn sóng văn hóa ngoại lai. Gần đây, khi UNECO công nhận Đờn ca tài tử là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại thì văn hóa dân gian nói chung, trong đó có những loại hình văn hóa dân gian ở Vĩnh Thuận có cơ hội phục hồi và phát triển theo xu thế chung của cả nước.

Về ngành nghề truyền thống, đại đa số nhân dân Vĩnh Thuận trước đây sống bằng nghề nông, chủ yếu là làm ruộng 1 vụ ở vùng gò cao  và chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống nhưng với quy mô nhỏ, có tính chất gia đình. Trước Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh nghề nông, nhân dân Vĩnh Thuận còn sinh sống bằng cách khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên như: đánh bắt thủy sản (cá, rắn, rùa..) lấy mật ong, nhổ bàng, đan đệm...Về sau này, sản vật thiên nhiên ngày càng cạn kiệt nên những phương thức khai thác tự nhiên truyền thống ấy mất dần trong đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây.

Tin liên quan
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh