Lịch sử
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân vùng đất nay là xã Vĩnh Thuận đã đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp:
Những năm 30 của thế kỷ XX, các cơ sở nòng cốt Đảng ở địa bàn xã đã được gầy dựng và hoạt động bí mật. Cách mạng tháng Tám 1945 là bước ngoặt lớn nhất trong toàn bộ lịch sử Đồng Tháp Mười nói chung, Vĩnh Hưng (Vùng 8) và Vĩnh Thuận nói riêng. Tuy thời gian giữ chính quyền không lâu, nhưng đây là cái mốc thay đổi nhận thức của nhân dân cực kỳ câu sắc. Toàn thể dân các xã của Vĩnh Hưng, trong đó có Vĩnh Thuận, bất kể thuộc giới và lứa tuổi nào, bất kể tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, giàu và nghèo đều xếp hàng tự nguyện dưới ngọn cờ Việt Minh. Khí thế làm chủ, “làm quốc sự” cực kỳ sôi nổi. Nhân dân sống ở khu vực các con kênh hẻo lánh cũng đứng lên, không trừ ai. Cách mạng có sức mạnh diệu kỳ, biến đổi cả vùng lạc hậu thành biểu trưng cho tinh hoa của dân tộc.
Từ năm 1946 đến năm 1951, Đồng Tháp Mười, Vĩnh Hưng trong đó có Vĩnh Thuận trở thành trung tâm thần thánh của cuộc kháng chiến Nam Bộ. “Vào bưng biền” là vào đây – vùng đầm lầy không có núi rừng che chắn, chủ yếu là căn cứ lòng dân. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ ở các địa phương đổ về vừa chọn “bưng biền” làm nơi cống hiến cho đất nước vừa mang đến cho nhân dân nơi đây những thông tin và kiến thức mới mà cả trăm năm khai phá họ chưa từng nghe, từng biết. Người dân hết lớp này sang lớp khác được giác ngộ cách mạng, đã đóng góp xuất sắc cho kháng chiến như tham gia du kích, đưa con em tòng quân, tích cực giúp đỡ bộ đội, tiếp tế cho các cơ quan và các lực lượng vũ trang, tham gia dân công đào kênh kháng chiến, đắp cản trên sông, chống quân Pháp càn lấn, mua công trái để đóng đó`ng góp tiền của cho Chính phủ nuôi quân, ủng hộ công cuộc kháng chiến…
Từ năm 1951, Đồng Tháp Mười, Vĩnh Hưng nói chung và Vĩnh Thuận nói riêng gặp khó khăn do Mỹ trực tiếp chi viện tiền của và phương tiện chiến tranh cho quân Pháp. Ngoài việc tung ra những cuộc hành quân lớn, địch còn tổ chức nhiều đại, trung đội Commanđo (biệt kích) để thọc sâu vào căn cứ đánh bất ngờ gây nhiều thiệt hại cho ta. Phá hoại kinh tế trong khu căn cứ là một chủ trương lớn của địch, mục tiêu là chặn đường giao thông vận chuyển, triệt nguồn sản xuất. Chúng đề ra khẩu hiệu bắn chết con trâu là diệt 1 tiểu đội Vệ quốc đoàn, để triệt nguồn sức kéo chủ yếu lúc đó. Bộ binh, xe tăng, xe lội nước, máy bay địch thấy trâu là xả súng bắn, Vĩnh Thuận cũng bị thiệt hại rất nhiều, sau này học tập xã bạn, chỗ cao đào hầm trú ẩn cho trâu gọi là trâu cứu quốc. Từ tháng 2/1952 địch liên tiếp mở các cuộc càn lớn, dân và quân Vĩnh Thuận sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua diệt địch, phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tổ chức các trận chiến đấu trong và ngoài căn cứ góp phần làm thất bại âm mưu của địch. Tháng 10/1952 một cơn bão lụt lớn đã tàn phá nặng nề miền Đông Nam bộ, đồng bào và bộ đội lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn. Địch lợi dụng thiên tai tăng cường đánh phá. Quân và dân Vĩnh Thuận không những chiến đấu và sản xuất để bảo vệ căn cứ mà còn tích cực tham gia chi viện, tiếp tế ủng hộ đồng bào, chiến sĩ miền Đông.
Năm 1953, chủ trương của trên phải chống bình định lấn chiếm, du kích xã tham gia huy hiếp mạnh mẽ đồn Long Khốt buộc địch phải rút chạy. Sau đó phối hợp đại đội 1072 và các xã bạn qua chiến trường Campuchia chiến đấu giúp bạn. Trong thời gian ngắn đã gỡ sạch hệ thống đồn bót địch ở cặp biên giới, mở rộng vùng giải phóng, thu nhiều vũ khí giao hết cho bạn. Năm 1954, du kích các xã kết hợp chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo cao nhất ở Nam bộ và tham gia giúp giải phóng hệ đồn bót của tỉnh bạn Soài Riêng. Ngày 20/7/1954[1], Hiệp định đình chiến Genéve được ký kết, Vĩnh Thuận nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh trên, ngưng tiến công địch, chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.
Trong kháng chiến chống Mỹ:
Được sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, Ngô Đình Diệm trắng trợn phản bội Hiệp định Geneve, không hiệp thương tổng tuyển cử, thẳng tay đàn áp, giết hại những người kháng chiến cũ và những cán bộ được Đảng phân công ở lại miền Nam. Chúng đã tiến hành chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, ra luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam ngang nhiên giết hại những người Cộng sản và đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân. Đồng Tháp Mười nói chung, Vĩnh Hưng, Vĩnh Thuận nói riêng là một căn cứ kháng chiến nổi tiếng Nam bộ làm cho quân thù khiếp sợ, do đó ngay từ đầu Mỹ - Diệm tập trung đánh phá ác liệt.
Khi quân đội ta rút chưa hết, địch đã vội vã xua quân vào đóng chiếm Đồng Tháp Mười. Hàng ngàn quân “Cao đài Liên minh”, quân Hòa hảo, Tiểu đoàn 520 ngụy Sài Gòn… thực hiện âm mưu triệt phá căn cứ Cách mạng, đặt chân đến đâu là đàn áp khủng bố ác liệt đến đó. Tại Vĩnh Thuận, bọn Cao đài Liên minh rượt đuổi, truy bắt cán bộ, đảng viên, chúng bắt hàng trăm đồng bào họp lại để chỉ mặt ai là cán bộ, đảng viên không đi tập kết còn ở lại để chúng trị; chúng phân ra từng trung đội, đại đội đi càn quét đánh đập dã man; chúng lập ban quân sự xã của Cao đài Liên minh để rình rập chỉ điểm… Chúng muốn đánh gục tinh thần đấu tranh bất khuất của người dân Đồng Tháp Mười, nhưng chúng làm sao khuất phục được? Nhân dân Vĩnh Thuận hầu hết là cơ sở cách mạng đã ra sức nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ, đảng viên và du kích trước sự truy lùng gắt gao, khủng bố điên cuồng của địch góp phần củng cố và duy trì phong trào cách mạng ở địa phương trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Từ giữa năm 1954 đến đầu năm 1955, nhân dân Vĩnh Thuận tham gia hàng loạt cuộc đấu tranh trực diện với Mỹ - Diệm, cùng hàng ngàn người kéo lên dinh quận trưởng đòi thi hành Hiệp định, phải chấp nhận làm việc với ban đại diện do dân bầu ra, đòi địch bồi thường cầu cống hoa màu, đòi bình thường hóa giữa 2 miền Nam – Bắc, giải quyết dân sinh, dân chủ; đấu tranh giằng co quyết liệt với ngụy quyền và bọn địa chủ để giữ đất ruộng, đìa, rạch… cách mạng đã cấp.
Năm 1956 – 1960, lực lượng giáo phái (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) bị Diệm thanh toán rút chạy về Đồng Tháp Mười, cán bộ cơ sở và du kích Vĩnh Thuận đã tham gia đấu tranh để hạn chế hành động cướp phá của chúng, tự điều hành trật tự trị an, lợi dụng danh nghĩa giáo phái trừ khử những tên ác ôn, chỉ điểm trong chính quyền Diệm ở cơ sở, giải tán các tề xã, ấp, bắt và giáo dục bọn địa chủ cấm không về đòi ruộng, đìa... Khi tỉnh có chủ trương thành lập các đơn vị vũ trang, con em Vĩnh Thuận đã hăng hái tòng quân, tham gia du kích; các Tiểu đoàn 503, 504, 512 lần lượt ra đời là lực lượng chủ yếu bảo vệ thành quả cách mạng trên địa bàn Đồng Tháp Mười. Giữa năm 1957, khi ta thành lập tỉnh Kiến Tường đã có Tiểu doàn 504 cùng với các đơn vị 402, 404, 408 được phân chia về các Vùng. Quân và dân Vĩnh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội đấu tranh phá thế kềm kẹp, hạ uy thế địch, phá kế hoạch “khu dinh điền”, “khu trù mật”, diệt ác phá kềm mạnh ở Cà Na và toàn xã.
Cuối năm 1960, đầu năm 1961, sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Vĩnh Thuận đã có Mặt trận dân tộc giải phóng tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh to lớn đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn mới. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với quốc sách “ấp chiến lược” được tiến hành trên toàn miền Nam. Nhân dân Vĩnh Thuận đã tham gia biểu tình đấu tranh chống địch gom dân, đòi về quê cũ làm ăn. Mùa nước nổi năm 1961, du kích đã dùng xuồng ba lá chất các loại bao tải đựng lúa, trấu, thân cây chuối làm công sự phối hợp tiến công đồn Vàm Dưng, đồn Thái Kỳ góp phần gỡ các đồn, tua của địch trong toàn Vùng 8. Đặc biệt phong trào đánh trái gài của du kích rất hiệu quả, hạn chế các cuộc hành quân càn quét của địch, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Du kích xã phối hợp bộ đội đột nhập các ấp chiến lược, giải tán tề, trừ điệp, phục kích đánh bọn bung ra kềm kẹp dân… giữ vững hành lang chiến lược từ TW Cục xuống các tỉnh. Cuối năm 1963, kế hoạch gom dân lập ấp của địch cơ bản bị phá sản. Tháng 8 năm 1963 và đầu năm 1964, du kích các xã trong đó có Vĩnh Thuận có 36 cuộc đột vào các ấp chiến lược, phá banh 2 ấp, phá rã 10 ấp và trừ 2 tên điệp ác ôn; kết hợp với địa phương quân Vùng 8 phục kích diệt 1 tiểu đội biệt kích Măng Đa bung ra càn ở sông Lò Gạch. Ngày 14/4/1964 phối hợp đại đội cơ động tỉnh và 408 phục kích đoạn Đầu Sấu diệt 2 tàu, làm bị thương 2 tàu chở quân tăng viện cho Măng Đa, ta thu 2 đại liên và 12 súng tự động, bức rút đồn Cả Rưng giải phóng hoàn toàn xã Vĩnh Lợi. Ngày 22/6/1964 du kích xã kết hợp 2 tiểu đội của 408 phục kích 1trung đội bảo an đồn Măng Đa tại ngã tư sông Lò Gạch, diệt 8 tên, bị thương 7 tên, thu 4 súng…
Từ 1965 Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ, đưa quân viễn chinh vào đồng bằng Sông Cửu Long. Lực lượng biệt kích là đối tượng nguy hại, chúng liên tục đánh phá các tuyến hành lang nhằm ngăn chặn tiếp tế, cướp vũ khí, đạn dược, hàng hóa của ta, đột kích sâu vào các căn cứ. Tại Vùng 8, địch đóng quân từ gò Ông Lẹt, đến Cái Sầm, đánh lên sông Trăn… chúng thọc sâu vào trong đồng, nằm phục kích ban đêm lẫn ban ngày. Ngoài ra, chúng còn dùng bom, pháo, kể cả bom napan, chất độc hóa học hủy diệt rừng cây, cả Vùng 8 các xã không còn 1 hécta rừng nguyên vẹn. Tỉnh ủy chỉ thị cho các lực lượng vũ trang phải đánh bại, bẻ gãy mũi biệt kích của địch, không cho chúng tự do hoành hành đánh phá ta, đồng thời phải diệt bọn bình định gom dân để hỗ trợ cho phong trào nỗi dậy của quần chúng. Lực lượng vũ trang Vĩnh Thuận đã tham gia đánh 02 trận tiêu biểu:
- Tháng 5/1965, cùng Tiểu đoàn 16A/ QK8 tiêu diệt đồn Tam Giác khu Măng Đa diệt 21 tên, thu 15 súng các loại, đây là trận chiến đấu có hiệu suất cao.
- Tháng 11/1965, Tỉnh đội quyết tâm giao cho đại đội 1 cùng địa phương quân, du kích xã Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thuận ngày nay), điều tra nghiên cứu diệt bằng được đại đội biệt kích đóng ở gò Ông Lẹt thuộc xã Vĩnh Thuận để tạo đà, xây dựng niềm tin thắng Mỹ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Đại đội biệt kích này do Mỹ trực tiếp huấn luyện và trang bị, đưa ra đóng dã ngoại ở tuyến trước để bảo vệ căn cứ gò Măng Đa và đánh phá hành lang của ta. Địch có 90 tên, do 4 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Điểm địch trú quân có công sự và mìn bẩy, hàng rào kẽm gai bảo vệ, được pháo binh ở gò Măng Đa sẵn sàng chi viện. Chúng thường ra phục kích ban đêm trên các tuyến hành lang mà chúng nghi là có bộ đội, cán bộ, du kích và lực lượng vận tải của quân khu hoạt động, gây cho ta nhiều tổn thất về người và của.
Sau khi nhận nhiệm vụ trên giao, đại đội 1cơ động của tỉnh Kiến Tường phối hợp với phân đội đặc công thuộc đại đội 918 do các đồng chí Hồ Ngọc Dẫn, Võ Văn Vị chỉ huy; đơn vị 408 (địa phương quân Vùng 8), đội du kích Vĩnh Thuận do đồng chí Trương Văn Rật (Mười Tâm), Nguyễn Văn Lắm chỉ huy… Tổ chức nghiên cứu thực địa, xây dựng phương án tác chiến. Đúng 1 giờ ngày 17 tháng 11 năm 1965 các đơn vị đã bí mật tiếp cận và đồng loạt nổ súng tiến công. Sau 45 phút chiến đấu, ta diệt và làm bị thương 70 tên, bắt sống 10 tên, thu 41 súng các loại (có 2 súng cối 60 ly và 1 súng cối 81 ly, 14 trung liên Mỹ), 1 chiếc bo bo, 3 máy PRC 25, nhiều đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch. Trong trận này, ta không diệt cố vấn Mỹ vì điều trùng hợp ngẫu nhiên là chúng đã về yếu khu Măng đa vào buổi chiều trước khi trận đánh diễn ra. Ta hy sinh 4 và bị thương 7 đồng chí. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang Kiến Tường đánh và tiêu diệt 1 đơn vị biệt kích cấp đại đội do cố vấn Mỹ trực tiếp tổ chức, huấn luyện và chỉ huy. Chiến thắng Gò Ông Lẹt đánh dấu một bước phát triển của lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Tường, là đòn quyết định đánh vào lực lượng biệt kích, bẻ gãy hoàn toàn chiến thuật đột kích, phục kích cùng kế hoạch ngăn chặn hành lang và phòng thủ từ xa của địch, tạo khí thế và gây tiếng vang lớn để thúc đẩy phong trào cách mạng trên vùng Đồng Tháp Mười.
Chiến thắng này còn là kết quả của sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc trên đồng nước nổi của lực lượng vũ trang Kiến Tường. Phát huy thắng lợi, lực lượng vũ trang Kiến Tường tiếp tục bao vây, thâm nhập các đồn bót, tạo điều kiện cho nhân dân trong các ấp chiến lược đấu tranh trở về ruộng vườn cũ sinh sống, buộc địch phải co cụm, cố thủ trong các đồn bót, không còn hung hăng như trước.
Để tuyên dương chiến công oanh liệt này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất cho các đơn vị tham gia trận đánh.
Với ý nghĩa lịch sử ấy, Gò Ông Lẹt - nơi lực lượng vũ trang Kiến Tường tiêu diệt đại đội biệt kích địch ngày 17/11/1965 - đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 500/QĐ-UB, ngày 27/2/1997.
Mùa khô năm 1966 đến 1967 các hoạt động bao vây đồn bót bằng lựu đạn, chông, mìn, súng bắn tỉa và bằng các loại vũ khí tự tạo khác dấy lên mạnh mẽ, địch buộc phải co lại trong đồn, không dám bung ra càn quét như trước, vùng giải phóng của ta được củng cố và mở rộng.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhân dân Vĩnh Thuận động viên con em tham gia du kích, tòng quân bảo đảm yêu cầu cao về quân số theo lệnh của trên. Lực lượng du kích trong 3 đợt đã nêu cao tinh thần kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, chiên đấu rất dũng cảm, kiên cường, bám khu Măng Đa gài lựu đạn, đánh bọn biệt kích bung ra gom dân trở lại ấp, khu trù mật, làm chết, bị thương 21 tên.
Từ năm 1969 đến năm 1972, sau các đợt tiến công liên tục kéo dài trong năm 1968 về phía ta cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng: bộ đội mệt mỏi, sức chiến đấu giảm sút, địa bàn nông thôn nhiều nơi bị mất… Trong khi đó, lực lượng của địch không những được phục hồi mà còn phát triển đông hơn trước Tết Mậu Thân, tại Vùng 8 quân số của địch tăng hơn rất nhiều. Chúng tăng cường phòng thủ yếu khu Măng Đa, đồng thời tiến hành các cuộc hành quân bình định, cho trực thăng soi đêm, biệt kích nằm nhiều trung đội phục kích ngăn chặn đường hành lang chiến lược của ta… Với hành động đánh phá khốc liệt, chúng muốn triệt hạ mọi nguồn sống, gây ra cảnh đói khổ cho đồng bào và chiến sĩ ta. Lúa, gạo của dân cũng bị địch kiểm soát gắt gao, nên bộ đội và các cơ quan lâm vào cảnh thiếu đói. Quần chúng cách mạng ở Vĩnh Thuận tìm mọi cách vận chuyển gạo, thuốc Tây, giấy đánh máy, pin đèn… cho các cơ quan và bộ đội. Du kích xã vẫn duy trì hoạt động, trung đội nhiều lần đột vào khu Măng Đa phát động quần chúng, cảnh cáo tề, diệt 2 tên công dân vụ, bố trí mìn, lựu đạn, phục kích tại Gò Cát, bọn bảo an yếu khu bung ra ngăn chặn đường hành lang, ta diệt 9 tên, thu 1 súng cácbin.
Tháng 12 năm 1971, du kích xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Ba Hạnh, cán bộ tác chiến tỉnh đội, đã phục kích đánh thiệt hại nặng đại đội biệt kích ở gò Măng Đa bung ra càn quét, diệt 37 tên, thu 27 súng và 2 máy thông tin PRC25.
Năm 1972 địch tập trung lực lượng đẩy mạnh chương trình bình định, ta chủ trương mở chiến dịch tấn công tổng hợp. Nhiệm vụ của Kiến Tường là đẩy mạnh đánh phá bình định, mở lõm, giải phóng xã ấp, bảo đảm hành lang thông suốt, tích cực góp phần bảo đảm hậu cần chủ lực Khu, chủ lực Miền hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đợt 1, Vùng 8 phối hợp lực lượng tỉnh, khu bao vây bức rút 2 đồn, diệt 2 đồn; các đội du kích trong đó có Vĩnh Thuận phục kích đánh địch 22 lần, làm chết và bị thương 187 tên, đào rã ngũ 134 tên, thu 2 máy thông tin PRC25, 36 súng các loại, dân bung về hơn 9.000 người, bảo đảm hành lang vận chuyển từ Miền, Khu thông suốt. Vào đợt 2, ta pháo kích, phục kích, bố trí mìn, lựu đạn làm chết 97 tên, bị thương 86 tên, đào rã ngũ 149 tên, giải tán 4 toán phòng vệ dân sự, 9 chủ ấp, 3 ban tề; tổ chức 21 cuộc đấu tranh bỏ ấp chiến lược trở về quê cũ làm ăn… Nét nổi bật là nhân dân các xã đã cung cấp một khối lượng lương thực, thực phẩm, xuồng, ghe, máy cày, hàng ngàn lượt dân công đã hăng hái lên đường tải đạn, tải thương… kịp thời phục vụ cho bộ đội chiến đấu.
Năm 1973, tuy bị thất bại buộc phải ký Hiệp định Pari, nhưng với bản chất ngoan cố, địch đã tung lực lượng thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”. Ta thực hiện “kế hoạch thời cơ” tất cả các lực lượng liên tục đánh địch, đánh vào các ấp chiến lược diệt tề, giải tán phòng vệ dân sự… Du kích Vĩnh Thuận đột vào yếu khu Măng Đa trừ diệt tề, phục kích đánh bọn bung ra làm chết 11 tên, bị thương 7 tên, thu 6 súng. Phong trào dấu tranh chính trị được đẩy mạnh, 250 quần chúng kéo vào Măng Đa buộc địch để đồng bào về quê cũ làm ăn.
Năm 1974, địch tiếp tục đẩy mạnh lấn chiếm, bình định với tham vọng lớn là kiểm soát 95% dân số và 85% đất đai, tăng cường đánh phá ngăn chặn tuyến hành lang, phong tỏa kinh tế, ngăn không cho ta thu thuế, mua lúa gạo, thuốc men, nguyên liệu cần thiết về quân sự, đồng thời ráo riết bắt lính, đôn quân…Chúng đã tăng cường về Vùng 8: 1 trung đoàn 11, sư đoàn 7; 4 tiểu đoàn biệt khu 44; 1 tiểu đoàn biệt kích Mỹ; 2 chi đoàn xe thiết giáp M113; 19 đại đội bảo an; 7 cụm pháo (đóng dã ngoại 4 cụm)…Lực lượng địa phương quân Vùng 8 và hầu hết các đội du kích trong toàn Vùng kết hợp chủ lực Miền tập trung đánh mạnh hệ Long Khốt diệt 4 đồn, pháo kích uy hiếp đồn Ngũ giác Măng Đa, diệt 3 tàu đoạn Chùa Nổi, bao vây các đồn khác…Các đội du kích Tuyên Bình, Vĩnh Thuận, Vĩnh Lợi trong nhiều trận đã tiêu diệt phổ biến từ 1 đến 2 tiểu đội địch.
Mặc dù địch đánh phá, ngăn chặn ác liệt, nhân dân và lực lượng đia phương quân, du kích bảo đảm hành lang vận chuyển thông suốt, vượt chỉ tiêu quy định. Công tác xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng cho các lực lượng chính trị và vũ trang cũng đạt kết quả khá. Đội du kích Vĩnh Thuận được tăng lên gấp đôi.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau khi chủ lực Khu, Miền trên điều đi làm nhiệm vụ trọng điểm, theo lệnh của trên là “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã, phải tự lực tự cường xông ra tiến công địch với tư tưởng thần tốc”, các lực lượng Vùng 8 thực hiện 3 mũi giáp công bao vây chặt các đồn bót, các chốt của địch tiêu hao, tiêu diệt chúng, kiên quyết ngăn chặn không cho chúng bung ra. Đêm 29/4/1975, lực lượng các địa phương đồng loạt tấn công địch. Trưa ngày 30/4/1975, khi đài phát thanh Sài Gòn truyền đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh, đội du kích Vĩnh Thuận đã cùng các lực lượng dốc toàn lực tiến công. Tỉnh trưởng ngụy đầu hàng, yếu khu Măng Đa và các đồn bót đều đầu hàng hoặc chạy, nộp vũ khí cho Cách mạng.
Qua 30 năm tiến hành chiến tranh cách mạng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, nhân dân Việt Nam đã giành toàn thắng. Trong không khí tràn ngập niềm vui, quân và dân Vùng 8 nói chung, quân và dân Vĩnh Thuận nói riêng có thể tự hào về những đóng góp của mình đối với thắng lợi chung.
Từ những ngày đen tối ngột ngạt tưởng chừng không sống nổi, nhân dân Vùng 8, Vĩnh Thuận vẫn kiên cường một lòng theo Đảng, từ tay không vùng lên, nhen nhóm phong trào, tạo lập căn cứ, kết hợp các hình thức đấu tranh để tiến công địch, góp phần cùng trên lần lượt đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của chúng, từng bước giành quyền làm chủ, giữ vững căn cứ địa trong 9 năm kháng chiến đánh Pháp, giữ vững căn cứ địa và hành lang chiến lược của Miền, Khu, Tỉnh, đẩy mạnh cách mạng ngày càng tiến lên và cuối cùng, trong cao trào Tổng tiến công và nổi dậy xuân năm 1975 giải phóng toàn Vùng 8, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, cùng cả nước, nhân dân Vĩnh Thuận nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, nhân dân Vĩnh Thuận đóng góp sức người, sức của, đông đảo thanh niên tham gia bộ đội, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống chống ngoại xâm. Vĩnh Thạnh (trong đó` có xã Vĩnh Thuận ngày nay) đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, xã có đội vũ trang 28 người, mỗi ấp có 01 tiểu đội Dân quân chiến đấu trên dưới 10 người, do Đảng ủy và Ban CHQS xã Vĩnh Thạnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy. Toàn xã vận động được hàng trăm lượt người tham gia dân công phục vụ chiến đấu và đắp đê biên giới. Trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, lực lượng vũ trang xã đã phối hợp với bộ đội huyện, tỉnh và bộ đội Biên phòng đánh 60 trận lớn, nhỏ, diệt hơn 200 tên lính Pôn Pốt, thu 22 súng và đã tiễn đưa hàng trăm thanh niên nhập ngũ vào các đơn vị bộ đội tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia.
Để có được những thành tích nêu trên, nhiều gia đình thuộc xã Vĩnh Thuận ngày nay đã đóng góp công sức cho cách mạng, trong đó có 47 liệt sĩ, 35 thương binh, bệnh binh, 58 ngươi có công được tặng thưởng huân, huy chương các loại, 2 mẹ: Lê Thị Tui và Lê Thị Sáng được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của xã là những người con ưu tú đã có nhiều cống hiến và hy sinh xương máu qua các thời kỳ lịch sử. Có thể kể những tấm gương điển hình như:
- Đồng chí Võ Văn Khoái và đồng chí Võ Văn Dư là hai anh em ruột đã cùng tham gia cách mạng và anh dũng hy sinh trong thời kỳ phong trào cách mạng của cả nước nói chung và Vĩnh Thuận nói riêng gặp nhiều khó khăn khi Mỹ -Diệm tăng cường đàn áp, khủng bố khốc liệt các cán bộ cách mạng. Đồng chí Võ Văn Khoái và đồng chí Võ Văn Dư đã bị địch sát hại vào đầu năm 1960 theo Luật 10/59 “Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”.
- Đồng chí Trương Văn Tâm - một trong những người có công đầu trong việc xây dựng nên lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Tường trong kháng chiến chống Mỹ- cũng là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Thuận. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1949, từng giữ chức vụ Tỉnh đội phó tỉnh Kiến Tường, trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh lớn, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Với những thành tích ấy, đồng chí đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại quyết định số 378, ngày 28/5/2010.
- Đồng chí Trương Văn Tiếp, tham gia cách mạng năm 1968, đã trưởng thành qua hoạt động thực tiễn của phong trào cách mạng và trở thành cán bộ cao cấp của Đảng với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nói chung, Vĩnh Thuận là một vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hóa. Truyền thống này là nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thuận vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương sau ngày thống nhất đất nước.
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2005), Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Long An, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, xuất bản năm 2005.